Địa phương bổ nhiệm, xếp lương mới chậm trễ, GV có được truy lĩnh tiền?
Ngày đăng: 12-12-2023
GDVN- Tiếp nhận thông tư quy định cùng thời điểm nhưng có nơi hoàn thành sớm, có nơi lại quá chậm dẫn đến nhiều thiệt thòi cho giáo viên.

Sau rất nhiều vướng mắc về quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập của chùm Thông tư 01-04, ngày 14/4/2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung và có hiệu lực vào ngày 30/5.

Từ trước đó, đã có khá nhiều địa phương thực hiện xong việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương cho giáo viên. Tuy nhiên, đến thời điểm này đã qua gần 3 năm (chùm Thông tư 01-04 có hiệu lực) và nửa năm (kể từ khi Thông tư 08 có hiệu lực) nhiều địa phương vẫn chưa thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương xong.

Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa Giaoduc.net.vn

Nhiều giáo viên hưởng lợi khi địa phương thực hiện việc chuyển xếp lương sớm

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT có hiệu lực từ 20/3/2021, được hiểu là từ 20/3 giáo viên sẽ được bổ nhiệm và xếp lương theo Thông tư mới.

Tại Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD mà Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành thì trước ngày 30/6/2021 các tỉnh phải gửi phương án để thực hiện bổ nhiệm, xếp lương và trước 31/12/2021 phải báo cáo việc bổ nhiệm, xếp lương mới.

Trong giai đoạn đó, khá nhiều tỉnh thành đã hoàn tất việc bổ nhiệm và xếp lương mới cho giáo viên. Một giáo viên tại huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) chia sẻ với người viết: “Ngay sau khi chùm Thông tư 01-04 có hiệu lực (20/3/2021), địa phương đã thực hiện 2 đợt (tháng 4/2021 và tháng 1/2022) bổ nhiệm hạng và chuyển xếp lương”.

Còn một số giáo viên tại 1 địa phương ở khu vực Tây Nguyên cho biết: “Ở địa phương nơi tôi công tác, các cơ quan liên quan đã chuyển xếp hạng cho giáo viên từ năm 2022. Năm 2023, ngay sau khi có Thông tư 08 sửa đổi, bổ sung một số điều của chùm Thông tư 01-04, địa phương đã yêu cầu các trường nộp lại quyết định để rà soát.

Giáo viên nào chưa đủ 9 năm mà được chuyển hạng sẽ phải quay lại hạng thấp hơn nhưng không bị truy thu số tiền chênh lệch đã nhận”.

Trong đợt điều chỉnh bổ nhiệm và xếp lương lần này, có những thầy cô giáo được tăng khá cao từ 800 ngàn đồng đến hơn 1.500.000 đồng/tháng. Vì thế, một số giáo viên đã rất may mắn khi được địa phương thực hiện việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương sớm.

 

Lương thấp lại chậm trễ bổ nhiệm, thăng hạng khiến giáo viên thiệt thòi

Nếu so sánh với những địa phương hiện nay vẫn chưa thực hiện xong việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương, những giáo viên có mức chênh lệch giữa lương cũ và lương mới cao như vậy, sẽ là một sự thiệt thòi khá lớn.

Thử làm một phép tính đơn giản, cùng được tăng mỗi tháng khoảng 1.500.000 đồng so với lương cũ.

Thế nhưng một đồng nghiệp ở địa phương A. được nhận lương mới từ tháng 4/2021 còn thầy cô ở địa phương B. mới được nhận quyết định bổ nhiệm cuối tháng 11/2023.

 

Số tiền chênh lệch của 2 giáo viên ở 2 địa phương gần 3 năm cũng đến vài chục triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ so với thu nhập của giáo viên.

Thầy cô có được truy lĩnh tiền do chậm trễ trong bổ nhiệm, xếp lương?

Chùm Thông tư 01-04 hiện vẫn có hiệu lực, Thông tư 08/2023 có hiệu lực từ 30/5 chỉ là sửa đổi bổ sung một số điều còn bất cập của chùm Thông tư 01-04.

Thế nên, nhiều thầy cô bày tỏ băn khoăn rằng, họ đủ điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm và chuyển xếp lương theo chùm Thông tư 01-04 (có hiệu lực từ 3/2021) có được nhận tiền truy lĩnh từ khi Thông tư 01-04 có hiệu lực hay không?

Những giáo viên thuộc nhóm điều chỉnh của Thông tư 08, có được nhận tiền chênh lệch lương từ ngày 30/5 khi Thông tư 08 có hiệu lực?

Cô Nguyễn Thị Lan, giáo viên đang công tác tại một tỉnh phía Nam cho biết: “Giữa 2 mức lương của tôi chênh lệch hơn 1.500.000 đồng/tháng. Nếu so với một số đồng nghiệp ở địa phương đã thực hiện việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương từ tháng 4/2021 thì số tiền tôi không được nhận đến thời điểm này hơn 40 triệu đồng.

Nếu theo quy định của Thông tư 08 (có hiệu lực từ 30/5) mà tháng 12 địa phương tôi mới thực hiện xong việc bổ nhiệm, xếp lương thì số tiền chênh lệch giữa hai mức lương khoảng 18 triệu đồng.

Vậy, tôi và một số đồng nghiệp có được truy lĩnh số tiền chênh lệch trên không? Rõ ràng, địa phương nào chậm trễ trong bổ nhiệm, xếp lương là gây thiệt thòi rất nhiều cho giáo viên ở nơi đó. Cùng có điều kiện chuyển xếp lương, bổ nhiệm giống nhau, thầy cô ở địa phương nào thực hiện sớm thì giáo viên ở đó được hưởng lợi, còn nơi chậm trễ thì thầy cô rõ ràng là bị thiệt thòi về quyền lợi".

Thời điểm này đã là tháng 12/2023, một số địa phương vẫn chưa thực hiện xong việc bổ nhiệm và xếp lương theo chùm Thông tư 01-04/2021 và Thông tư 08/2023.

Chậm trễ trong việc bổ nhiệm và xếp lương giáo viên trong một thời gian rất dài, gây thiệt thòi vô cùng lớn cho các thầy cô, khiến nhiều nhà giáo mất một nguồn thu chính đáng của mình.

Tiếp nhận thông tư cùng thời điểm nhưng có nơi hoàn thành sớm, có nơi lại quá chậm dẫn đến nhiều thiệt thòi cho giáo viên. Nhiều thầy cô hy vọng, việc bổ nhiệm và chuyển xếp lương sẽ hoàn thành trong thời gian sớm nhất và giáo viên sẽ được truy lĩnh tiền chênh lệch kể từ ngày thông tư có hiệu lực.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết
nguồn: https://giaoduc.net.vn/dia-phuong-bo-nhiem-xep-luong-moi-cham-tre-gv-co-duoc-truy-linh-tien-post239159.gd